Trang

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

CỰU TÙ CHÍNH TRỊ VƯƠNG THỊ VIẾNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN TỪ THÁI LAN


Kính thưa quý vị,
Giữa những ngày đầu năm mới của Thái Lan, tết truyền thống Sonkran,thủ đô Bangkok trở nên rộng rãi hơn, bởi nhịp sống của người bản xứ trở nên chậm lại, nhiều người dân Bangkok về quê ăn tết, Krung Thep từ tưng bừng náo nhiệt bỗng trở nên thanh vắng, nhờ vậy mà giữa chốn đất khách quê người này chúng tôi tình cờ gặp được một cựu tù chính trị mà cả gia đình đã phải vào tù vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”. Sau 10 năm lao lý, bà Vương Thị Viếng đã được trả tự do, cùng với 4 người con đã xin tỵ nạn chính trị tại Cambodge và đã  6 năm nay kể từ khi họ được Cao Ủy Tỵ Nạn UNHCR tại Phnom Penh bảo vệ, thật bất ngờ khi gặp bà Viếng cùng những người con cùng có mặt tại Bangkok, để đi tìm tự do thêm một lần nữa. Chúng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn về công cuộc đấu tranh, về những năm tháng tù đày lao lý của cả gia đình và về hành trình đi tìm tự do sau  khi đào thoát khỏi nhà tù lớn Việt nam. Xin gởi đến quý vị câu chuyện thật hy hữu này.

Phóng Viên Thu Trâm: Xin chào cô Viếng và các anh chị. Thưa cô Viếng, cháu là Thu Trâm, nguyên là phóng viên thuộc Phân Ban Báo Chí, thuộc Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam ở quốc nội, xin được gởi lời chào trân trọng và quý mến đến cô cùng các anh chị. Thưa cô chắc chắn quý độc giả sẽ rất quan tâm đến câu chuyện dấn thân của cả gia đình cô đấu tranh cho Việt Nam được tự do và những hệ lụy của sự dấn thân đó. Nhưng trước hết xin cô giới thiệu sơ qua về nhân thân của cô được không, thưa cô
.

Cựu tù Vương Thị Viếng: Dạ, thưa cô, tôi tên là Vương Thị Viếng, sinh năm 1950 tại quận Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong, nay là Đồng Tháp. Tôi tốt nghiệp Sư Phạm Vĩnh Long năm 1970 và gõ đầu trẻ cho đến tháng 4 năm 1975 thì tôi bỏ việc, vì tôi muốn gởi một thông điệp đến nhà cầm quyền cộng sản Việt nam lúc bấy giờ rằng gia đình chúng tôi có một mối thù “bất cộng đái thiên” với cộng sản và vì vậy chúng tôi không bao giờ hợp tác với cộng sản.

Phóng Viên Thu Trâm: Dạ, thưa cô, vậy cô và các anh chị bắt đầu tham gia chống cộng từ lúc nào, ở đâu và cô đã bị bắt trong trường hợp nào ạ?

Cựu tù Vương Thị Viếng: Dạ, thưa cô, Sau khi bỏ nhiệm sở, tôi về mở tiệm Kim Hoàn tại thị xã Cao Lãnh, mua bán vàng bạc đá quí cho đến năm 1985. Đây là thời gian tối tăm nhất trong lịch sử dân tộc Việt nam bởi chính sách cải tạo tư sản và chính sách cấm chợ ngăn sông, nhiều thương gia qua một đêm bỗng trở nên trắng tay, vì bị kiểm kê tài sản, bị tịch biên hết của cải. Tôi nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục kinh doanh thì ngày mà tôi bị kiểm kê và tịch biên tài sản chắc chắn là không xa, và tôi nghĩ rằng cũng cần làm một việc gì đó để xóa bỏ chế độ cộng sản, nếu không thì người dân Việt nam còn phải khốn khổ nhiều thêm nữa. Suy nghĩ như vậy nên tôi quyết định rời khỏi Việt nam đến Cambodge vào năm 1986, mong tìm được một tổ chức phục quốc để tham gia đáu tranh cho quê hương.

Phóng Viên Thu Trâm: Dạ, thưa cô, vậy là ngay sau khi đến Cambodge là cô tham gia ngay vào tổ chức phục quốc?

Cựu tù Vương Thị Viếng: Dạ, chưa đâu. Thời gian này chiến sự ở Cambodge còn ác liệt lắm. Các cuộc giao tranh vẫn diễn ra hàng ngày giữa quân đội Khmer đỏ và bộ đội cộng sản Việt nam. Tôi cũng tiếp xúc được với một số cựu sỹ quan của QLVNCH, nhiều người vẫn có tấm lòng với đất nước, cũng tìm cách phục quốc, nhưng thời cơ chưa tới nên chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm và chờ đợi. Cho đến cuối năm 1989 trước sự lên án mạnh mẽ của quốc tế về việc CSVN xâm lược Cambodge, buộc bộ đội CSVN rút quân về nước, và quân đội Liên Hiệp Quốc UNTAC đến gìn giữ an ninh cho Cambodge là thời gian có khá nhiều tổ chức Phục Quốc của người Việt ra đời ở đó, nhưng mãi đến năm 1995 chúng tôi mới chính thức tham gia vào đảng Nhân Dân Hành Động và bắt đầu các hoạt động công khai về phát triển lực lượng của đảng tại Cambodge và Thái Lan. Với chức vụ là trưởng ban tuyên huấn, tôi hoạt động rất tích cực và phát triển rất nhanh số lượng người tham gia vào tổ chức từ những người mà chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ từ những năm trước. Các con tôi thì làm công việc liên lạc và lưu trữ hồ sơ của tổ chức.

Phóng Viên Thu Trâm: Dạ, thưa cô, sau đó cô đã bị bắt vào năm nào và trong hoàn cảnh nào ạ?

Cựu Đại Úy Nguyễn Anh Hảo và Cựu tử Tù Trần Nam Phương
Cựu Sỹ Quan QLVNCH, Tù Nhân Nguyễn Văn Trại trong ngày cuối đời 11-7-2011
Cựu tù Vương Thị Viếng: Dạ, vào tháng 11 năm 1996, khi Trung Ương Đảng Nhân Dân Hành Động (Đảng NDHĐ) triệu tập chúng tôi tham dự cuộc họp các xứ bộ tại Thái Lan, để bàn bạc về phương hướng đấu tranh trong hoàn cảnh chính trị xã hội và tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến mới, chúng tôi đã bị lực lượng an ninh của Cambodge phối hợp với một lực lượng an ninh của CSVN phục kích bắt gọn tất cả 28 người, khi chúng tôi vừa vượt qua biên giới Cambodge-Thái Lan chưa xa. Tất cả 28 người chúng tôi đều bị đưa về tạm giam tại trại giam Nguyễn Văn Cừ 13 tháng, Sau đó chúng tôi bị chuyển qua đại lao Chí Hòa giam tiếp 12 tháng nữa, rồi cuối cùng tất cả chúng tôi bị chuyển xuống trại giam Định Thành, An Giang giam giữ đúng một năm sau chúng tôi mới bị đưa ra tòa án của cộng sản ở An Giang xét xử về tội “âm mưu lật đổ chính quyền”, không ai trong chúng tôi bị kết án dưới 10 năm tù giam cả. Chồng tôi là Bảo Giang Nguyễn Tuấn Nam bị kết án 19 năm tù, cựu dân biểu Lê Văn Tính bị kết án 20 năm, Cựu Sỹ Quan Không Quân Việt Nam Cộng Hòa Bùi Đăng Thủy bị kết án 19 năm, Cựu Đại Úy QLVNCH Nguyễn Anh Hảo bị kết án 15 năm tù, và một cựu sỹ quan của QLVNCH khác là Nguyễn Văn Trại cũng bị kết án 15 năm, và thật đau thương là ông Nguyễn Văn Trại đã qua đời trong trại giam ở tuổi 74 vào ngày 11 tháng 7 năm 2011 sau khi đã thi hành xong 14 năm 7 tháng tù. Số còn lại chúng tôi bị kết án 10 năm tù. Sau phiên xử, chúng tôi lại bị đưa về giam giữ ở các “Trại Cải Tạo” Z30A Xuân Lộc Đồng Nai, hoặc Z30D Hàm Tân, Thuận Hải. Cùng mãn án tù với tôi có hai chiến hữu là Việt Nhân và Nhật Lan, đáng tiếc là cả hai đều đã qua đời không lâu sau khi ra tù vì những di chứng của những cuộc tra tấn trong thời gian điều tra xét hỏi. Phần lớn các chiến hữu của tôi đều vẫn đang trong thời gia chịu án tù. 

Phóng Viên Thu Trâm: Vâng, thưa cô, còn về hành trình đi tìm tự do sau khi cô mãn án tù thì thế nào, thưa cô?

Cựu tù Vương Thị Viếng: Dạ, tôi được phóng thích vào tháng 2 năm  2006 với án phạt bổ sung là 4 năm quản chế. Chính thời gian sau khi ra tù là khoảng thời gian tôi cảm nhận sâu sắc nhất tội ác của nhà cầm quyền CSVN, nhất là đối với các cựu tù chính trị. Và đó cũng là thời gian tôi nhận thức rõ nhất thế nào là nhà tù lớn Việt Nam. Trong những ngày bị giam lỏng ở quê nhà hình ảnh cha tôi, nguyên là Xã Trưởng xã An Bình, quận Cao lãnh, bị Việt cộng xử tử hình ngay trước sân nhà tôi vào năm 1966 lại  hiện về. Tôi lại sôi sục máu hờn căm, nên lại quyết định phải ra đi. Và đến 24 tháng 7 năm 2006 tôi đã đào thoát đến Cambodge, ngay lập tức tôi đến trình diện với văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn UNHCR tại Phnom Penh để xin tỵ nạn chính trị, và chỉ 1 tuần sau đó tôi đã được công nhận tư cách tỵ nạn chính trị. Tuy vậy, vận hạn vẫn chưa hết cô ạ, nên chỉ hơn một tháng sau, tức là đến ngày 10 tháng 9 cùng năm đó, tôi đã bị mật vụ cộng sản Việt nam tại Cambodge mưu sát bằng mô-tô phân khối lớn. Vẫn còn chút may mắn trong đời, nên tôi không chết mà chỉ bị gãy chân đến 3 đoạn, phải nhập viện nẹp đinh vào xương đùi và phải mất gần 1 năm sau mới có thể chống gậy đi lại được. Chính lần thoát chết trong vụ mưu sát đó đã dạy cho tôi một bài học quý báu rằng mật vụ của CSVN vẫn đang đầy dẫy ở trên đất nước Chùa Tháp đó và rằng ngay cả Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cũng không bảo vệ được chúng tôi.

Phóng Viên Thu Trâm: Vâng, thưa cô, vậy căn nguyên nào khiến cô phải đào thoát sang một nước thứ ba nữa để tìm tự do sau khi đã được cấp quy chế tỵ nạn ở một nước thứ hai rồi, thưa cô?

Cựu Tù Vương Thị Viếng Tại Trung Tâm Tỵ Nạn Bangkok
Cựu tù Vương Thị Viếng: Dạ thưa cô, gần đây Cao Ủy Tỵ Nạn tại Cambodge mời chúng tôi đến văn phòng và báo cho chúng tôi biết rằng Cambodge là quốc gia có ký công ước 1951 với Liên Hiệp Quốc về bảo vệ người tỵ nạn, nên Cambodge cũng là một quốc gia phải có trách nhiệm nhận người tỵ nạn tái định cư, do vậy Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh đã chuyển hồ sơ tái định cư của gia đình tôi đến chính phủ Cambodge để tái định cư, và chính phủ Cambodge đã chấp thuận cho chúng tôi định cư tại Cambodge. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại Phom Penh sẽ chấm dứt mọi trách nhiệm bảo vệ chúng tôi vào ngày 28 tháng 3 năm 2012 sau khi chính phủ Cambodge tiếp nhận và cấp căn cước Cambodge cho chúng tôi. Cô thấy đó, vào ngày 28 tháng 11 năm 1996 chính là cảnh sát Hoàng Gia Cambodge đã phối hợp với một lực lượng an ninh của CSVN để bắt giữ chúng tôi và dẫn độ chúng tôi về Việt nam để tra tấn, nhục hình đến vô cùng dã man, rồi giam cầm chúng tôi cả chục năm trong lao tù như thế, nay Cao Ủy Tỵ Nạn chuyển giao chúng tôi cho chính phủ Cambodge “bảo vệ” chúng tôi có khác nào họ đang giao trứng cho ác. Cả thế giới này còn có ai không biết Cambodge thực chất chỉ là một xứ thuộc địa của Việt nam cộng sản. Vậy cô suy nghĩ thử xem, Cao Ủy trao chúng tôi cho Cambodge thì có khác gì họ trao chúng tôi cho CSVN xét xử! Vì vậy mà chúng tôi lại phải tiếp tục đi tìm tự do thêm một lần nữa ở Thái Lan này. Hy vọng là bàn tay lông lá của CSVN sẽ không vươn tới đây để bắt bớ chúng tôi nữa.

Phóng Viên Thu Trâm: Vâng, thưa cô, vậy đến giờ này hồ sơ tỵ nạn của cô đã ở giai đoạn nào rồi ạ?

Cựu tù Vương Thị Viếng: Dạ, trước khi đào thoát khỏi Cambodge, chúng tôi đã đến tường trình kế hoạch và tư vấn với Luật Sư Nikola của Jesuit Refugee Service tại Phnom Penh, luật sư cũng hết sức lo lắng cho sự an nguy tính mạng của chúng tôi nếu phải trốn khỏi Cambodge, nhưng luật sư cũng tiên liệu những khó khăn khác, nếu chúng tôi phải ở lại để trở thành “công dân” của Cambodge. Nên luật sư đã tận tình giúp đỡ cho chúng tôi ra đi. Ngay khi vừa đến Bangkok, chúng tôi đã trình diện với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok để xin tỵ nạn, đồng thời chúng tôi cũng đệ đơn lên Cao Ủy Nhân Quyền để xin giúp đỡ trong trương hợp chúng tôi bị cảnh sát di trú Thái Lan bắt bớ do chúng tôi nhập cư trái phép vào Thái Lan. Chúng tôi cũng được một văn phòng luật sư quốc tế mang tên “Lên Tiếng Cho Người Thấp Cổ Bé Họng” tận tình giúp đỡ, nên tôi hy vọng rằng trong vòng 3 tháng là Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok sẽ gặp gỡ và xem xét về hồ sơ xin tỵ nạn của chúng tôi.

Phóng Viên Thu Trâm: Vâng, thưa cô vậy là tốt lắm, xin chúc mừng cô. Còn lại nơi ăn chốn ở của cô và các anh chị hiện nay có được ổ định không, thưa cô?

Cựu tù Vương Thị Viếng: Dạ, chưa đâu cô. Mấy hôm đầu tiên mới đến Bangkok, chúng tôi được tạm trú trong một hội thánh Tin Lành của Người Thái, nhưng vì lý do an ninh, chúng tôi lại phải di chuyển đến ở nơi an toàn, bí mật hơn, và vẫn phải tiêp tục di chuyển cho đến khi nào Cao Ủy Tỵ Nạn UNHCR công nhận tư cách tỵ nạn của chúng tôi và cấp giấy tờ cho chúng tôi thì sau đó mới tìm chổ ở cố định được.

Phóng Viên Thu Trâm: Vâng, thưa cô, cháu xin cảm ơn cô đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này. Thưa cô, cô có nhắn gởi gì với cộng đồng người Việt Tự Do ở hải ngoại không, thưa cô?

Cựu tù Vương Thị Viếng: Dạ, thưa cô, thưa quý vị sau khi tôi được quy chế tỵ nạn tại Cambodge vào ngày 2 tháng 8 năm 2006, tôi đã trả lời phỏng vấn trên đài Á Châu Tự Do và qua thông tin đó, các con của chúng tôi sau khi bị bắt, đã trốn thoát và sống tản lạc suốt hơn 10 năm trước đó, đã tìm đường trở lại Cambodge xin tỵ nạn và đã đoàn tụ được với tôi, tuy nhiên trong thân phận của người tỵ nạn, chúng tôi không được phép làm gì để mưu sinh cả. Cũng nhờ các cộng đồng người Việt Quốc gia ở khắp nơi trên thế giới mở rộng tấm lòng nhân ái đã trợ giúp cả vật chất lẫn những khích lệ về tinh thần, nhờ vậy mà chúng tôi mới có cơ hội để sống sót cho đến hôm nay. Nhân dịp này, chúng tôi xin được nói lên lòng chân thành tri ân đến quý ân nhân, đến quý mạnh thường quân, và các Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia ở hải ngoại đã có lòng thương xót mà cưu mang, giúp đỡ cho chúng tôi, cũng như cho tất cả anh em tù chính trị đang chịu án trong các nhà tù của CSVN suốt thời gian qua. Chúng tôi xin đặc biệt tri ân anh LÊ MINH Úc đã vận động không mệt mõi suốt hơn 6 năm qua để giúp đỡ cho chúng tôi. Xin thay mặt tất cả các anh em tù chính trị đang chịu án tù trong các nhà tù nhỏ tại Việt Nam, chúng tôi xin bày tỏ lòng tri ân đến anh Phùng Mai Úc Châu, đến anh Hồng Lĩnh Nguyễn Hà Tịnh ở Oregon cùng các cá nhân và tổ chức ủng hộ Phong Trào Dân Chủ Quốc Nội đã hết lòng giúp đỡ cho chúng tôi.

Phóng Viên Thu Trâm: Vâng, thưa cô, một lần nữa cháu xin chân thành cảm ơn cô. Kính chúc cô cùng các anh chị luôn được bình an và sớm có quy chế tỵ nạn tại Thái Lan, Thưa cô nếu các thân hữu trên toàn thế giới muốn liên lạc thăm hỏi và trợ giúp cho cô thì địa chỉ liên lạc của cô là gì a?.

Cựu tù Vương Thị Viếng: Dạ, cảm ơn cô Thu Trâm, hiện tôi chưa có điện thoại để liên lạc, nên quý vị có thể liên lạc với tôi qua email, địa chỉ là:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét